SlideShow chính
SlideShow chính
SlideShow chính
SlideShow chính
SlideShow chính
SlideShow chính
SlideShow chính
Công tác đấu thầu tuyển chọn tư vấn XDCTGT được thực hiện trên cơ sở Luật Đấu thầu và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. Trong thời gian qua đã có nhiều dự án đấu thầu tuyển chọn tư vấn. Thực tế quá trình tuyển chọn đã xuất hiện các xu hướng chưa lành mạnh cần được điều chỉnh.

Năng lực kĩ thuật cần được quan tâm hàng đầu

Các chính phủ, các tổ chức ngân hàng cho vay vốn như WB, ADB, JBIC đều đưa ra các quy định về tuyển chọn tư vấn.

Chi phí cho công tác tư vấn thiết kế chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong toàn bộ chi phí dự án, nhưng sản phẩm lại vô cùng quan trọng, mang tính quyết định cho sự thành công về mọi mặt của dự án. Do vậy, đối với mỗi chủ đầu tư, việc lựa chọn được một tổ chức tư vấn có những chuyên gia tư vấn giỏi, có năng lực thực sự và giàu kinh nghiệm, đề xuất được những giải pháp thiết kế ưu việt là quan tâm hàng đầu. Sau đó mới là mối quan tâm về giá cả dịch vụ.

Do đó, theo thông lệ quốc tế, để tuyển chọn tư vấn bao giờ cũng qua bước lập danh sách ngắn từ 3 đến 5 công ty để có giấy mời tư vấn lập đề xuất kĩ thuật và đề xuất tài chính tham gia dự tuyển. Với số ít công ty tư vấn tham gia dự tuyển sẽ tạo điều kiện để các tư vấn có nhiều sáng tạo trong đề xuất kĩ thuật của họ. Hiện các tổ chức quốc tế sử dụng phổ biến phương pháp lựa chọn tư vấn dựa trên cơ sở chất lượng dịch vụ (QBS), tức là tư vấn thành 2 phong bì: phong bì đề xuất kĩ thuật và phong bì đề xuất tài chính. Tư vấn nào có điểm kĩ thuật cao hơn sẽ được mời vào vòng 2 mở phong bì tài chính và thương thảo hợp đồng trên cơ sở đề xuất tài chính.

Với phương pháp lựa chọn này, các ưu điểm là: không có áp lực ép giá xuống thấp, điều này làm hạ cấp chất lượng công nghệ và quản lý; Tránh cho tư vấn đưa ra các phương án công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau làm phức tạp quá trình đánh giá. Riêng Ngân hàng thế giới có hướng dẫn thêm 1 phương pháp dựa trên chất lượng và giá dịch vụ (QCBS). Phương pháp tuyển chọn mà theo Luật đấu thầu VN đề cập cũng là phương pháp QCBS.

Xu hướng tuyển chọn không lành mạnh

Theo ý kiến của đa số tổ chức tư vấn và các cơ quan quản lý dự án hiện nay thì phương pháp tuyển chọn tư vấn kết hợp giữa chất lượng và giá này vốn có ưu điểm là minh bạch về tài chính. Song khi áp dụng ở VN, quy định đã không coi trọng yếu tố kĩ thuật, cùng với các hồ sơ tuyển chọn tư vấn có nội dung điều khoản tham chiếu và các nội dung khác chưa được hoàn hảo đã khiến thực tế quá trình tuyển chọn tư vấn trong thời gian ngắn vừa qua đã xuất hiện các xu hướng chưa lành mạnh.

Theo ông Bùi Văn Tòng - Phó Tổng giám đốc TCT Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI): Nội dung hồ sơ dự thầu và việc chấm thầu hiện nay nặng về các thủ tục, hình thức mà chưa quan tâm đến các đề xuất kĩ thuật của dự án, do vậy công tác đấu thầu đã không thể hiện được thực chất của các vấn đề cần đạt được. Hồ sơ dự thầu, dù có làm thế nào đi chăng nữa, cho dù tư vấn dự thầu là ai đi nữa, quy mô như thế nào đi nữa, thì việc chấm điểm kĩ thuật của hồ sơ dự thầu cũng chỉ chênh lệch trên dưới 4-5 điểm. Khi đó ai bỏ thầu giá thấp người đó sẽ trúng thầu. Đây là nguy cơ đáng cảnh báo nhất của công tác đấu thầu tư vấn hiện nay.

Phân tích kĩ hơn về tiêu chuẩn đánh giá kĩ thuật của hồ sơ mời thầu được quy định tại Điều 15 khoản 1 của Nghị định số 111/2006/NĐ-CP, kĩ sư Chu Văn An - Phó giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Cầu đường TEDI cho rằng có nhiều điểm chưa hợp lý: “Điều 15 khoản 1 của Nghị định có nêu về tiêu chuẩn đánh giá về kĩ thuật bao gồm các nội dung: Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu (từ 10% đến 20% tổng số điểm). Giải pháp và phương pháp luận đối với yêu cầu của gói thầu (từ 30%-40% tổng số điểm). Nhân sự của nhà thầu để thực hiện gói thầu (từ 50%-60%) tổng số điểm. Việc tính số điểm đánh giá cho các hạng mục chưa hợp lý. Điểm về nhân sự chiếm tỉ lệ lớn, chưa coi trọng kết quả nghiên cứu của nhà thầu đối với dự án. Đồng thời cũng chưa khuyến khích được các cá nhân, tổ chức mới được hình thành mà có năng lực thực sự”. Ông An cũng kiến nghị: do tính chất đặc thù của dịch vụ tư vấn, nên việc xem xét, đánh giá điểm tài chính chỉ nên hạn chế ở phạm vi xử lý tình huống đấu thầu, khi các nhà thầu có điểm kĩ thuật, đặc biệt điểm cho giải pháp và phương pháp luận bằng nhau. Nên bổ sung cho các thang điểm kĩ thuật từ 85, 90, 95 để khuyến khích về mặt kĩ thuật và thông qua đó không khuyến khích hạ giá trong việc đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

Ông Chu Ngọc Sủng, Tổng thư ký Hội Cầu đường VN cũng có cùng quan điểm về vấn đề này: Trong điều kiện nước ta hiện nay, khi mà giá dịch vụ tư vấn còn thấp so với quốc tế thì với phương pháp lựa chọn tư vấn như hiện nay, các tư vấn cạnh tranh bằng giá sẽ làm cho tư vấn không thể phát triển lành mạnh được.

 

Từ thực tế cho thấy, do nhu cầu công việc, nhiều đơn vị tư vấn cạnh tranh bằng hạ giá dịch vụ tư vấn. Đây là xu hướng không lành mạnh, nguy cơ làm yếu tư vấn, từ đó làm giảm chất lượng các công trình.

Cần có sự điều chỉnh kịp thời

Vấn đề tuyển chọn tư vấn xây dựng công trình dựa vào cạnh tranh giá như hiện nay đã gây ra nhiều lo ngại. Tại Hội thảo “Tuyển chọn và sử dụng tư vấn trong ngành xây dựng giao thông” do Hội Cầu đường Việt Nam vừa tổ chức hôm 20/7 các ý kiến đã đi đến thống nhất cần có các kiến nghị với Nhà nước xung quanh các chính sách về tuyển chọn tư vấn.

Phương thức tuyển chọn tư vấn phù hợp với thực tế VN hiện nay là cần nhanh chóng tiếp cận với thông lệ quốc tế. Cơ chế chỉ định thầu tư vấn chỉ nên áp dụng đối với những công việc, giai đoạn chưa có định lượng (như lập đồ án quy hoạch, báo cáo đầu tư). Với những giai đoạn, công việc đã cụ thể, đã định lượng (dự án đầu tư, thiết kế kĩ thuật, giám sát...) nên áp dụng đấu thầu để phát huy tính cạnh tranh, xác định chi phí khách quan, không bị rào cản của tỉ lệ chi phí tư vấn, tạo điều kiện cho các tư vấn tự đổi mới vươn lên.

Cần xây dựng bảng phân cấp hạng công trình XDGT. Trong đó cấp đặc biệt gồm các dự án có quy mô lớn, có yêu cầu kĩ thuật cao áp dụng đấu thầu hạn chế. Những tư vấn lớn, đáp ứng được các yêu cầu nhất định về vốn, nhân lực, kinh nghiệm sẽ được đưa vào danh sách ngắn để lựa chọn tư vấn dựa trên cơ sở chất lượng dịch vụ và thương thảo giá - QBS.

Những dự án có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng phương pháp QCBS kết hợp giữa chất lượng và giá.

Theo phương pháp lựa chọn này, Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ đề nghị cần được sửa đổi triệt để để có thể lựa chọn tư vấn dựa vào yếu tố năng lực kĩ thuật là chính. Đồng thời phải ban hành gấp rút mẫu hồ sơ mời thầu mới và quy định đơn giản hoá thủ tục tham dự thầu. Mức chi phí tư vấn lập dự án hiện nay thấp.

Đây là nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn của đấu thầu và không tạo được lực lượng tư vấn có chất lượng cao. Vì vậy quy định tư vấn lập dự án không được tham gia thiết kế kĩ thuật là chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay; Cần sớm quy định lại tỉ lệ chi phí để đảm bảo lựa chọn được tư vấn có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng lập hồ sơ dự án.

Việc tổ chức đấu thầu tư vấn cũng có nhiều nội dung cần điều chỉnh. Trong đó, trình tự thực hiện đề nghị theo đúng trình tự của các dự án ODA. Tư vấn lập báo cáo đầu tư xác định nhiệm vụ, chi phí lập dự án đầu tư. Tư vấn lập dự án đầu tư xác định nhiệm vụ, chi phí thiết kế kĩ thuật và tư vấn giám sát, để đấu thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá, đối với thang điểm kinh nghiệm, đề nghị đánh giá chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và lịch sử cá nhân kĩ sư tư vấn, kinh nghiệm của tổ chức là thứ yếu. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp kiến nghị áp dụng như các dự án ODA, cách đánh giá theo điểm tổng hợp chỉ nên áp dụng cho các công trình giản đơn, kết cấu phổ biến.

Mạnh dạn áp dụng đấu thầu quốc tế đối với các dự án lớn để chuyển giao công nghệ. Đây cũng là biện pháp buộc các tư vấn trong nước phải tự mình hoàn thiện, nâng cao tính chuyên nghiệp. Sớm tiến tới quản lý các loại chi phí tư vấn theo thông lệ quốc tế, trước mắt đề nghị điều chỉnh ngay tỉ lệ chi phí cho tư vấn giám sát.

 

11/14/2019 10:01:39 AM 1729 Đã xem
Lên top
Top